Tiếp nối phần một 17 cây dược liệu quý dễ trồng trong nhà bạn - Phần 1, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tới bạn 9 loại cây còn lại mà bạn có thể trồng trong chính ngôi nhà của mình nhé!.
9. Tía tô
Không chỉ là một loại rau gia vị, tía tô còn là một cây thuốc vườn nhà được dùng phổ biến trong y học cổ truyền. Cây tía tô có tính ấm, vị cay, có tác dụng trị nôn mửa, đầy bụng, cảm lạnh. Cành tía tô có vị ngọt, được dùng để giảm đau, chống nôn mửa, chữa hen suyễn và có tác dụng an thai.
Ngoài ra, tía tô còn giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin A, C, giàu hàm lượng Fe, Ca và P,... rất tốt cho phổi và phế quản.
10. Húng quế
Húng quế có tính nóng, vị cay, có mùi thơm có tác dụng lợi tiểu, làm ra mồ hôi, giảm đau. Quả húng quế có tính mát, vị cay và ngọt, có tác dụng tốt cho mắt. Cây húng quế hay được dùng để trị chứng đầy bụng, kém tiêu, nghẹt mũi, cảm sốt, nhức đầu, cảm cúm.
11. Cây đu đủ đực
Khi nhắc đến những loại thảo dược thường gặp, chúng ta không thể không nhắc đến cây đu đủ đực. Hoa của cây đu đủ đực có công dụng giải độc mát gan, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đường huyết và ngăn ngừa ung bướu vô cùng hiệu quả.
12. Cây mã đề
Cây mã đề (còn có tên gọi khác là mã đề thảo, xa tiền) có tác dụng giải tỏa nhiệt lượng tích tụ trong cơ thể. Trà mã đề được dùng như một loại trà giải khát, có tác dụng lợi tiểu, giải độc mát gan, đào thải độc tố thận, ngăn ngừa sỏi thận hoặc các vấn đề về bàng quang, tiết niệu.
Cây mã đề khá dễ trồng và thường mọc nhiều ở ven sườn đồi, núi, trong vườn nhà hoặc ven đường vùng đồng bằng, nên bạn cũng có thể tự trồng cây mã đề trong vườn nhà mình.
13. Cây cỏ tranh
Cây cỏ tranh thường mọc dại trong vườn nhà hoặc ngoài cánh đồng. Theo Đông y, cây cỏ tranh có vị ngọt, tình hàn. Thân cây có tác dụng lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, thậm chí có thể chữa chứng tiểu ra máu, thổ huyết.
Nếu chẳng may bị đứt tay, để cầm máu nhanh, bạn hãy ra vườn hoặc nhờ người thân lấy một chút cỏ tranh đập dập và đắp lên vết thương.
14. Cây vòi voi
Cây vòi voi có thân cứng, khỏe, nhiều cành, hoa mọc so le nhau, màu tím hoặc trắng, được biết đến như một cây dược liệu quý trong vườn có công dụng tiêu độc, trị viêm gan. Vị thuốc này cũng hiệu quả với các bệnh như phong thấp, chấn thương.
Cây vòi voi thường được nấu để lấy nước uống. Nên sử dụng hàng ngày để đạt hiệu quả cao nhất. Loại cây này có thể tìm thấy ở trong vườn nhà, trên bờ đê, ven đường hoặc ngoài ruộng lúa nếu ở nông thôn.
15. Cây hẹ
Hẹ là loại cây gia vị có mặt hầu như trong mọi gia đình. Còn được biết đến dưới cái tên cửu thái, loài cây này chứa rất nhiều dược tính hữu ích trong phòng và trị bệnh.
Mỗi bộ phận của cây hẹ đều có tác dụng chữa các loại bệnh khác nhau. Lá hẹ có thể chữa đau tức ngực, hành khí, giải độc, phục hồi chấn thương.
Rễ hẹ có tính nhiệt, có khả năng tán ứ, giảm tức ngực hay các triệu chứng dị ứng, ngứa rát trên người.
Với hạt hẹ, chúng ta có thể dùng bồi bổ thận, cố tinh, tăng cường sức khỏe cho lưng, đầu gối do hạt hẹ có tính cay xen ngọt, ấm.
16. Cây vông nem
Loại cây mọc hoang này có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng ven biển, còn được gọi với tên gọi khác là hải đồng bì. Cây vông nem thường được các gia đình ở nông thôn trồng để làm bờ rào hoặc nấu canh giải nhiệt mùa hè.
Từ lá, vỏ đến rễ cây vông nem đều được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh. Tác dụng lớn nhất của cây thuốc quý này phải kể đến là an thần, hỗ trợ giấc ngủ và sát trùng vết thương.
Bạn có thể phơi khô lá cây vông nem, sắc khoảng 2-3g lấy nước cốt pha chung rượu, sử dụng hàng ngày sẽ trị chứng mất ngủ hiệu quả.
Bộ phận có công dụng lớn nhất phải kể đến vỏ cây với khả năng trừ phong thấp, thông kinh lạc. Mỗi cách dùng vỏ cây mang lại một hiệu quả trị bệnh khác nhau.
Với người bị phong thấp, đau đầu gối, sắc vỏ cây lấy nước uống. Nếu bạn bị sâu răng, tán bột vỏ cây rắc vào vùng răng sâu để giảm cơn đau.
17. Cây sài đất
Nếu bạn đang bị ho hay nóng trong người thì không nên bỏ qua cây sài đất. Loại cây này có vị chua, tính mát, rất có lợi trong phòng và trị cảm cúm, viêm phế quản, ho, sởi.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu hết 17 loại cây dược liệu quý dễ trồng trong nhà và công dụng hữu hiệu quả chúng. Hi vọng bài viết này đem đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc, khuyến khích bạn đọc tìm đến dược liệu như một phương pháp để chăm sóc sức khỏe một cách tốt hơn.