Nước ta có trên 5.000 loài dược liệu và sinh vật biển khác nhau có thể làm ra các bài thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam vào sáng ngày 12.04 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam chủ trì, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tiềm năng của thị trường dược liệu đã được đưa ra phân tích.
Với sự có mặt của lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh thành trên khắp đất nước, các mong muốn thúc đẩy tăng trưởng và phát triển hơn nữa thị trường cung ứng, tiêu thụ dược liệu đồng loạt ghi nhận sự tương đồng trong nhận định, đánh giá và xây dựng xu hướng phát triển.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định điều kiện tự nhiên của Việt Nam là nền tảng quan trọng để phát triển nhiều loại dược liệu khác nhau, trong đó có những loại dược liệu quý.
“Trên thế giới có đến 80% dân số sử dụng y học cổ truyền thì ở Việt Nam, như Bộ Y tế trình bày, thuốc từ cây dược liệu trong nước phải chiếm ít nhất 30%. Đây là một cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Đó là chưa tính đến dược liệu dùng trong ăn uống hằng ngày, bồi bổ sức khỏe”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng “Đất nước ta núi rừng bao la, cây dược liệu phát triển ở mọi miền. Phát triển ngành dược liệu không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể mang lại sự giàu có cho một bộ phận người dân”. Đây cũng là mong muốn và định hướng phát triển của công cty Cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai khi ra mắt thị trường.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng liên tục đánh giá cao sự quan tâm của một số địa phương trong việc hỗ trợ và tạo nên thành công khi phát triển một số dòng dược liệu như nghệ, atiso, quế, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh…. Kết hợp với sự sẵn có về điều kiện thị trường, khả năng tiêu thụ rộng lớn không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, lĩnh vực dược liệu của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
Phát triển dược liệu, tâm- tín liệu đã đủ?
Sở hữu một chuỗi các yếu tố tự nhiên thuận lợi bên cạnh điều kiện thị trường tiêu thụ sẵn có, nhưng để có thể thực sự đẩy mạnh sức tiêu thụ và tỷ lệ tăng trưởng hấp dẫn thì còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự đầu tư chỉn chu và cẩn trọng từ chính các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đây là quan niệm rất cụ thể được Thủ tướng nêu rõ “Phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp dược để chế biến tiết kiệm, có hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm chúng ta cần đặt ra hiện nay. Chúng ta phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế”.
Thủ tướng cũng đồng thời yêu cầu các ban ngành liên quan phải có kế hoạch thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là y tế để chú trọng tập trung phát triển.
Nói cách khác, từ phát biểu của Thủ tướng, việc phát triển dược liệu phải gắn với thực tế nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, đặc biệt là sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Các Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN&PTNT cùng các bộ khác có liên quan được nhắc nhở chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền…, thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn.
“Dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì phải chặt chẽ trước khi áp dụng, còn thuốc bồi bổ thì phải phổ cấp cho nhân dân. Ngoài ra, ngành y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng thuốc dược liệu, y học cổ truyền, khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.