Thị trường dược liệu hiện là một kênh khai thác hoàn hảo cho nhu cầu khám chữa bệnh và hỗ trợ sức khỏe của người dân, trở thành một trong những tiềm năng khai thác kinh tế lý tưởng. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng một cách ổn định, mạnh mẽ và hiệu quả thì cần có định hướng và lộ trình bài bản, gắn liền với nhu cầu thực tế của thị trường.

Thị trường “khát” dược liệu

Nhiều kết quả thống kê chuyên ngành đã chỉ ra được mức độ chênh lệch cung- cầu thực tế của dòng sản phẩm dược liệu trên thị trường tiêu thụ Việt Nam.

Theo đó, tuy nhu cầu thị trường ngày càng lớn đối với dòng sản phẩm này và một tiềm năng nguyên liệu rộng khắp trên cả nước nhưng mức độ khai thác và đưa vào sử dụng chưa thực sự rộng rãi với quy mô xứng tầm để có thể tận dụng một cách tối ưu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nước ta có đến hơn 5000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và có đến 75 loại khoáng vật đều sở hữu công dụng làm thuốc nhưng lượng sản phẩm dược liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng vẫn còn rất hạn chế?

Số liệu thống kê thực tế cho đến thời điểm hiện tại đã cho thấy sự bất cập trong yếu tố định hướng và xúc tiến các chính sách khuyến nông nhằm kích thích quá trình chuyển hướng trồng trọt và cung ứng sang nhóm cây trồng dược liệu. Có đến gần 80% sản phẩm dược liệu dùng trong cả nước đều phải nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng trung bình và thấp, khó đáp ứng các mục tiêu khắc phục và điều trị bệnh tật, tăng cường sức khỏe.

Sự chênh lệch cán cân cung cầu của thị trường dược liệu Việt Nam cho thấy mức độ khan hiếm nguồn cung thực sự ổn định và bài bản. Vậy, cần làm gì và làm như thế nào để xử lý được tình huống này một cách rốt ráo để việc phát triển dược liệu cũng đồng nghĩa và đồng hành trực tiếp với nhu cầu thực tế thị trường.

Thúc đẩy tăng trưởng quy mô vùng chuyên canh

Nói đến việc phát triển dược liệu đi đôi với nhu cầu thực tế của thị trường thì không thể bỏ qua yếu tố tập trung vào xây dựng các vùng chuyên canh. Tại đây, bên cạnh các chính sách quy hoạch đồng bộ về loại dược liệu cụ thể với từng định hướng chi tiết, rõ ràng về quy mô, sản lượng thì còn phải thật thận trọng trong từng khâu chi tiết như sơ chế, tiêu thụ và các hoạt động tìm kiếm đầu ra cho cây dược liệu.

Ngoài ra, cần phải nhận thấy rằng việc phát triển dược liệu trên quy mô lớn không phải việc làm của 1 cá nhân hay một tập thể mà phải là sự kết hợp đồng bộ mang tính nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau giữa nhiều đơn vị, từ cán bộ khoa học, các doanh nghiệp, nhà nông cho đến các cơ quan quản lý chất lượng, các bộ ban ngành có liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế,...

Các yếu tố giám sát và kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra cũng phải được tiến hành một cách đồng bộ sao cho đảm bảo sản lượng cung ứng theo nhu cầu, hoàn thiện và cam kết về quy trình nuôi trồng để tạo thành sản phẩm đầu ra tốt nhất, kết hợp giám sát chặt chẽ từng yếu tố nhập khẩu hay kiểm soát được chất lượng thực tế của nguồn dược liệu lưu hành trên thị trường.

Với việc thực hiện tốt các hoạt động trên kết hơp với những chính sách liên kết và tăng cường bảo tồn, phát triển dược liệu sạch, đảm bảo vấn đề lưu thông thì việc tăng trưởng nhanh và mạnh hơn nữa nhóm ngành dược liệu sẽ rất khả quan và có cơ sở gặt hái nhiều thành công trong thời gian đến.